“Con nhà người ta” chỉ là một câu nói, nhưng đối với nhiều đứa trẻ, đó là cả một tuổi thơ bị phủ màu thiếu thốn và mặc cảm.
Khoa học nói gì ?
Một nghiên cứu nổi bật của Tiến sĩ Jennifer Jenkins tại Đại học Toronto (2012) được công bố trên Journal of Family Psychology, cha mẹ có xu hướng so sánh giữa các anh chị em ruột, đứa trẻ được đánh giá thấp hơn sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, giảm tự trọng và dễ nảy sinh hành vi chống đối. Ngay cả khi cha mẹ cho rằng họ công bằng, chỉ cần một đứa trẻ cảm thấy bị so sánh, thì cảm giác tổn thương và kém giá trị vẫn hình thành.
"Con nhà người ta” và những tổn thương vô hình |
Dưới lăng kính tâm lý học phát triển, tuổi vị thành niên là giai đoạn hình thành bản sắc cá nhân. Khi đứa trẻ liên tục được đặt lên bàn cân với người khác, các em dễ hình thành niềm tin sai lệch như “mình không đủ tốt”, “mình phải cố trở thành một ai đó” hay thậm chí “giá như mình là con của một gia đình khác”
Sự so sánh, dù được ngụy trang bằng động cơ “động viên con tiến bộ”, thực tế lại làm mờ đi lòng tự trọng và niềm tin của trẻ vào chính mình.
Nuôi dưỡng tâm hồn bằng chính những thấu hiểu gia đình
Một đứa trẻ không cần phải giỏi như bạn bè, học như anh chị, hay làm cha mẹ tự hào như “con nhà người ta”. Điều các em cần là được cha mẹ nhìn thấy, hiểu và yêu thương với chính bản thể của mình.
Không phải đứa trẻ nào cũng tỏa sáng rực rỡ trong lớp học. Có những đứa trẻ sống nội tâm, có đứa lại sáng tạo, có em hướng ngoại, có em cần thời gian để trưởng thành chậm hơn.
Và đó không phải là lỗi của bất kỳ ai!
Một người làm cha mẹ nhân văn không phải là người có những đứa con giỏi nhất lớp, mà là người dám yêu thương con mình dù con mình con mình có những điểm khác biệt nhất định. So sánh không giúp con vươn lên, mà làm mờ đi sự độc đáo cần được bảo vệ trong mỗi đứa trẻ.
Thay vì hỏi con “sao con không được điểm tối đa?” hay “sao con không bằng bạn này bạn kia?”. Hãy hỏi con mình “Con thấy bản thân mình mạnh ở điểm nào nhất?” hay “Con muốn trở nên như thế nào, và ba mẹ có thể đồng hành ra sao?”. Hãy yêu con mình một cách sáng suốt và chân thành!
Tóm lại
So sánh là một cái bóng, còn tình yêu thương chính là ánh sáng.Chỉ khi cha mẹ chọn ngừng so sánh, đứa trẻ mới thực sự có cơ hội trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chứ không phải bản sao của bất kỳ ai.
Theo Giang Định
tamlyhoc.org
Tham khảo
- Jenkins, J. M., Rasbash, J., & O’Connor, T. G. (2012). The role of the family context in the development of emotion regulation, Journal of Family Psychology