Bạn có bao giờ tỉnh dậy vào nửa đêm, cảm giác rõ ràng mình đã thức, nhưng cơ thể lại như bị khóa chặt? Dù muốn hét lên cũng không thể cất tiếng, và có thể bạn còn cảm nhận được một “bóng đen” mơ hồ đang tiến lại gần. Đó là trải nghiệm mà nhiều người gọi là bóng đè - một hiện tượng vừa kỳ lạ, vừa ám ảnh, và đôi khi bị gán cho màu sắc tâm linh.
Thực tế, khoa học thần kinh và tâm lý học đã nghiên cứu hiện tượng này trong nhiều thập kỷ và có những lý giải rất rõ ràng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu bóng đè là gì, vì sao nó xảy ra, và làm thế nào để kiểm soát hoặc phòng tránh, nếu bạn đang trải qua tình trạng này thường xuyên.
Bóng đè là gì? Sự thật khoa học của cơn ác mộng sống động
Bóng đè là gì ?
“Bóng đè” là cách gọi dân gian của hiện tượng tê liệt khi ngủ (sleep paralysis) - một trạng thái trong đó ý thức đã tỉnh táo, nhưng cơ thể không thể cử động hay phát ra âm thanh. Nhiều người mô tả cảm giác này như bị “đè nặng”, “không thở được”, “muốn hét nhưng không thể” và đôi khi kèm theo ảo giác rùng rợn.
Hiện tượng này xảy ra phổ biến hơn chúng ta nghĩ, theo một tổng quan nghiên cứu của Sharpless & Barber (2011) đăng trên Sleep Medicine Reviews, khoảng 7.6% dân số thế giới từng trải qua bóng đè ít nhất một lần trong đời, và tỷ lệ này cao hơn ở sinh viên và người mắc các rối loạn lo âu.
Cơ chế sinh học của hiện tượng bóng đè
Để hiểu rõ hiện tượng bóng đè - hiện tượng tê liệt khi ngủ (Sleep paralysis), chúng ta cần hiểu rõ một giấc ngủ trải qua bao nhiêu giai đoạn và hiện tượng này xảy ra vào giai đoạn nào.
Một chu kỳ ngủ có 4 giai đoạn và thường kéo dài trong khoảng 90 phút, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Ngủ nông - hoạt động não bắt đầu chậm lại, trạng thái ngủ nhẹ, mơ màng.
- Giai đoạn 2: Tần số sóng não giảm sâu hơn, giấc ngủ ổn định hơn.
- Giai đoạn 3: Ngủ sâu (NREM) - cơ thể phục hồi về mặt thể chất
- Giai đoạn 4: REM (Rapid Eye Movement) - não hoạt động mạnh mẽ, những giấc mơ sống động xảy ra trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn REM, não bộ tạm thời “vô hiệu hóa” hệ cơ xương bằng một cơ chế gọi là atonia - tức tình trạng tê liệt cơ bắp có chủ ý. Đây là cơ chế bảo vệ giúp chúng ta không hành động theo giấc mơ (ví dụ: không bật dậy, chạy, đấm đá...).
Theo lý thuyết thần kinh học, bóng đè là kết quả của sự không đồng bộ giữa hai quá trình REM và atonia trong chu kỳ giấc ngủ.
Thông thường, REM và atonia kết thúc đồng thời khi ta thức dậy. Tuy nhiên, trong bóng đè, ý thức tỉnh trước nhưng cơ thể vẫn “bị khóa” trong atonia, khiến ta cảm nhận được mình tỉnh, nhưng hoàn toàn không thể cử động.
Một nghiên cứu của Cheyne và cộng sự (1999) trên Journal of Sleep Research chỉ ra rằng bóng đè thường đi kèm với giấc ngủ ngắn, gián đoạn, thiếu chất lượng, và xảy ra nhiều hơn ở người ngủ ngửa (tư thế nằm ngửa).
Vì sao nhiều người thấy “bóng ma” hay cảm giác bị đè?
Ngoài sự bất động, bóng đè còn thường gắn liền với ảo giác rùng rợn - như cảm giác có ai đó trong phòng, nhìn thấy bóng đen, hoặc bị vật gì đè lên ngực. Đây là một hiện tượng có thể lý giải bằng khoa học.
Các nhà nghiên cứu như Baland Jalal và V.S. Ramachandran (2014) đưa ra giả thuyết rằng ảo giác trong bóng đè có thể xuất phát từ hoạt động bất thường ở thùy đỉnh của não bộ, nơi liên quan đến cảm nhận vị trí cơ thể và sự hiện diện của người khác. Nói cách khác, não đang cố gắng “giải thích” sự bất động bằng cách tạo ra kịch bản (ảo giác) cho phù hợp với cảm giác ngột ngạt và bất lực như thể có ai đó đè lên người ta.
Có cần lo lắng khi bị bóng đè hay không ?
Dù gây hoảng loạn, bóng đè không gây tổn thương thực thể hay nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, nếu xảy ra thường xuyên (hơn 1 lần/tuần) và ảnh hưởng đến chất lượng sống, bạn có thể:
- Thiết lập thói quen ngủ điều độ, ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày
- Giảm stress, tránh căng thẳng kéo dài
- Hạn chế dùng chất kích thích (cà phê, rượu…) trước khi ngủ
- Thay đổi tư thế ngủ, tránh nằm ngửa quá nhiều
- Nếu cần, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ thần kinh
Tóm lại, bóng đè không phải hiện tượng siêu nhiên, mà là kết quả của sự rối loạn tạm thời giữa ý thức và vận động cơ thể trong giai đoạn ngủ REM. Hiểu đúng về hiện tượng này sẽ giúp chúng ta bớt lo sợ, bớt tự trách bản thân, và chăm sóc tốt hơn cho giấc ngủ và sức khỏe tinh thần.
Theo Giang Định
tamlyhoc.org
Tham khảo
- Sharpless, B. A., & Barber, J. P. (2011). Lifetime prevalence rates of sleep paralysis: A systematic review. Sleep Medicine Reviews.
- Cheyne, J. A., Rueffer, S. D., & Newby-Clark, I. R. (1999). Hypnagogic and hypnopompic hallucinations during sleep paralysis. Journal of Sleep Research.
- Jalal, B., & Ramachandran, V. S. (2014). Sleep paralysis and the phantom bedroom intruder: The role of the right superior parietal lobule. Frontiers in Human Neuroscience.
Danh mục:
Đời sống