“Con học ngành này cho ba mẹ yên tâm”, “Học ngành này sau này mới có tiền, mới có tương lai”, “Ngày xưa mẹ không làm được bác sĩ, con thực hiện ước mơ đó giúp mẹ nhé”
Bạn có từng nghe hay đang hoặc đã sống trong những câu nói như vậy không? Nếu có, bạn có thể đã trải qua sự định hướng nghề nghiệp bị áp đặt - một hiện tượng phổ biến nhưng ít được thảo luận đúng mức trong các gia đình.
Lựa chọn nghề nghiệp - Kỳ vọng áp đặt hay tiếng nói của chính mình? |
Kỳ vọng hay “gọng kìm” ước mơ?
Phụ huynh nào cũng muốn con cái mình “có tương lai tốt”. Nhưng đôi khi, mong muốn đó không xuất phát từ thấu hiểu cá nhân hóa, mà từ những định kiến nghề nghiệp (ngành này tối, ngành kia không ổn định,...), từ sự bù đắp ước mơ dang dở của bậc ba mẹ hay từ nỗi sợ thất bại của con trong xã hội đầy cạnh tranh.
Hệ quả là con cái không được trao quyền lựa chọn nghề theo năng lực, tính cách và đam mê cá nhân, mà phải gánh trách nhiệm “làm đúng” mong đợi của gia đình.
Những tổn thương âm thầm
Một nghiên cứu tiêu biểu đến từ Đại học Missouri (Hoa Kỳ) được công bố năm 2012 trên Journal of Vocational Behavior cho thấy khi cha mẹ kiểm soát quá mức trong việc định hướng nghề nghiệp, thanh thiếu niên có xu hướng ít cảm thấy hài lòng với chính mình và giảm mức độ gắn bó với mục tiêu nghề nghiệp sau này.
Tại Việt Nam, không ít học sinh, sinh viên chia sẻ rằng việc học "ngành ba mẹ chọn" khiến họ mất phương hướng, học tập một cách máy móc, thậm chí chuyển ngành giữa chừng hoặc ra trường nhưng không làm đúng nghề đã học.
“Hướng nghiệp không phải ép nghề”
Trong tâm lý học phát triển, quá trình chọn nghề là một phần bản sắc cá nhân, gắn liền với cách con người định nghĩa bản thân: Tôi là ai? Tôi muốn trở thành ai? Tôi đang sống cuộc đời của chính mình hay của ai khác?
Khi một người trẻ không được chủ động trong quyết định nghề nghiệp, họ không chỉ mất quyền chọn nghề, mà còn đánh mất tiếng nói trong việc xây dựng cuộc đời của chính mình.
Định hướng nghề nghiệp khác với áp đặt nghề nghiệp. Trong khi định hướng nghề nghiệp là khi cha mẹ cung cấp thông tin, đặt câu hỏi gợi mở, giúp con hiểu thêm về chính mình và thế giới nghề nghiệp. Còn áp đặt nghề nghiệp là khi cha mẹ phủ nhận sự lựa chọn của con, thay vào đó là quyết định dựa trên kỳ vọng, niềm tin cá nhân hoặc nỗi sợ hãi.
Vấn đề nằm ở chỗ áp đặt nghề nghiệp thường được ngụy trang dưới vẻ ngoài của “tình yêu thương”. Cha mẹ tin rằng họ đang bảo vệ con khỏi rủi ro, khỏi thất bại, khỏi sự bấp bênh của cuộc sống nhưng lại quên mất rằng sự kiểm soát không phải là một hình thức yêu thương lành mạnh. Nó khiến người trẻ cảm thấy bị bóp nghẹt, mất phương hướng và bất lực.
“Trải nghiệm thất bại cũng là quyền của con người”
Hướng nghiệp đúng nghĩa là khi phụ huynh tôn trọng con như một cá thể độc lập, chấp nhận rằng thành công không có một khuôn mẫu duy nhất và dám để con thử,dám để con sai, sẵn sàng ở đó nếu con cần một điểm tựa.
Thất bại cũng là một phần của con đường trưởng thành và hơn thế nữa, đó là một quyền cơ bản của con người. Không ai nên bị tước quyền trải nghiệm, sai lầm, rồi học cách đứng lên từ vấp ngã, kể cả khi đó là người bạn yêu thương nhất.
Kết luận
Hướng nghiệp không phải là trao cho con một bản đồ đã vẽ sẵn mà là cùng con học cách định hướng trong sương mù. Và đôi khi, điều can đảm nhất cha mẹ có thể làm là lùi lại một bước, để con tiến về phía trước bằng đôi chân của chính mình.
Theo Giang Định
tamlyhoc.org
Tham khảo
- Kouros, C. D., & Garber, J. (2012), Parenting and adolescents’ career decision-making self-efficacy and outcome expectations, Journal of Vocational Behavior.